Review sách "Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm" - Mark Manson

Không để bạn chờ lâu thêm nữa, hôm nay tôi sẽ review chi tiết cho tất cả các bạn một cuốn sách self-help cực kỳ thú vị và hữu ích dành cho những người ghét self-help mang tên “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm“. 

Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách này không biết bao nhiêu lần. Đối với tôi, “nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” thực sự là cuốn sách giúp tôi thay đổi bản thân, từ một chàng trai thiếu tự tin, thiếu trách nhiệm, thiếu sức sống trở nên mạnh mẽ, trưởng thành và sống hạnh phúc hơn, thông qua việc mài giũa sự quan tâm một cách “tinh tế”.  

Và đó cũng chính là động lực để tôi review cuốn sách này cho bạn. Những giá trị mà tác giả Mark Manson mang lại trong cuốn sách “đếch quan tâm” này luôn là một sự cổ vũ, sự chỉ lối cho tôi vào những thời khắc khó khăn, thử thách và mông lung nhất của cuộc đời. 

Có thể bạn đang gặp phải những khúc mắc trong các mối quan hệ, bạn cảm thấy thất vọng và mơ hồ về ý nghĩa của cuộc sống này, về sự tồn tại của bản thân hay cảm thấy chán nản với công việc mà bạn đang làm. Dù nó là gì đi nữa, tôi cũng mong rằng cuốn sách “nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” này sẽ truyền được cảm hứng cho bạn, giúp bạn vượt qua những trở ngại thực sự của bản thân và sống tốt hơn, tinh tế hơn. 

ngôn ngữ
Đã dịch ra
bản
đã bán
Mark Manson

Mark Manson là ai ?

Mark Manson, sinh ngày 9/3/1984 tại Austin (Texas), là một tác giả và blogger nổi tiếng người Mỹ. Đến nay, anh đã viết tổng cộng 3 cuốn sách: “Quyến rũ phái đẹp bằng cả chân tình” (Model: Attract women through honesty, 2011), “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” (The subtle art of not giving a fuck, 2016) và “Everything is fucked” (hiện chưa được dịch ra tiếng Việt, 2019). Trong đó, cuốn “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” và “Everything is fucked” được New York Times bình chọn là best-seller lần lượt vào năm 2017 và 2019. Gần đây, anh cũng được biết đến với vai trò là người chắp bút cho cuốn hồi ký của nam diễn viên nổi tiếng Will Smith. 

Bên cạnh đó, blog cá nhân markmanson.net của anh cũng rất thành công với hơn 15 triệu lượt truy cập mỗi năm, tương đương hơn 1 triệu người đọc mỗi tháng. Mark Manson tập trung vào các chủ đề như lời khuyên hữu ích, phát triển giá trị cá nhân và trí thông minh cảm xúc, xây dựng các mối quan hệ,… thông qua các bài viết dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học tâm lí – xã hội cùng với những kinh nghiệm thực tế của bản thân anh. 

Ngoài ra, Mark Manson cũng thường xuyên được xuất hiện trên hơn 50 tờ báo, tạp chí và kênh truyền hình nổi tiếng tại Mỹ như: NBC, CNN, Fox News, the BBC, the GuardianTime Magazine, Larry King, Dr. Oz, the New York TimesNew York Post, USA TodayBuzzfeedVice,…

Tóm tắt nội dung sách "nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm"

Chương I: Đừng cố

“Chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp không phải là quan tâm nhiều hơn, mà là quan tâm ít đi, chỉ quan tâm tới điều gì là thật, gần gũi và thực sự quan trọng”

Nền văn hóa ngày nay thường gieo rắc vào trong tâm trí chúng ta rằng: con đường dẫn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn là phải chạy theo nhiều, nhiều và nhiều hơn nữa. Thêm một chiếc ô tô sành điều, một cô bồ ngon lành hơn, làm tình nhiều hơn, kiếm nhiều tiền hơn hoặc trở nên như thế nào đó nhiều hơn nữa. Chúng ta cứ vô tình ngộ nhận và ảo tưởng rằng như vậy mới là thành công, là hạnh phúc. Và thế là bạn dành cả cuộc đời để chạy theo những thước đo và giá trị mà bạn chưa từng mảy may nghi ngờ xem liệu nó có thực sự tốt đẹp như ta tưởng. Trong khi đó thì sức khỏe tâm lý của bạn sa sút vì quan tâm và lo lắng về quá nhiều thứ rắc rối mà chẳng bao giờ thỏa mãn.  

Tất cả những điều đó dẫn chúng ta đến với “Vòng lặp địa ngục”:

Vòng lặp địa ngục

Cách duy nhất giúp bạn thoát khỏi “vòng lặp địa ngục” chính là “luật trái ngược” – một hình thức tinh tế của nghệ thuật đếch quan tâm: 

Mong muốn một trải nghiệm tích cực là một trải nghiệm tiêu cực, còn chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực thì lại là trải nghiệm tích cực

Bạn càng cố để trở nên giàu có, thì bạn càng cảm thấy mình nghèo và vô dụng, cho dù bạn nhiều tiền cỡ nào đi nữa. Bạn càng muốn trở nên quyến rũ bao nhiêu thì bạn chỉ càng thấy mình xấu xí, dù nhan sắc của bạn có ra sao. Bạn càng muốn trở nên đủ đầy thì bạn càng cô đơn và sợ hãi, dù bên cạnh bạn là ai đi nữa. Còn khi bạn đơn giản hóa mọi chuyên bằng cách thoải mái chấp nhận rằng cuộc sống này vẫn “lởm” như nó vốn thế và sẽ luôn như thế, vui vẻ chấp nhận những trải nghiệm tiêu cực mà không cố né tránh hay gạt bỏ nó, thì những trải nghiệm tích cực sẽ đến với bạn. 

Đây được coi là nền tảng của toàn bộ cuốn “nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm“: sự tiêu cực là con đường dẫn đến sự tích cực.

Thế nhưng, xin lưu ý rằng “đếch quan tâm” không có nghĩa là thờ ơ trước mọi thứ, bình thản trước mọi bão tố của cuộc đời, không bị lung lay trước bất cứ điều gì hay bất cứ ai. Ngược lại, nó mang ý nghĩa rằng bạn sẽ hành động mà “đếch quan tâm” đến những khó khăn và thử thách

Chương II: Hạnh phúc là một rắc rối

Chương II được mở đầu với câu chuyện của Đức Phật và giác ngộ của ngài về cuộc sống: 

“Nỗi đau đớn và mất mát là không thể tránh được và chúng ta cần từ bỏ việc cố gắng chống lại chúng”

Cho dù bạn đang theo đuổi điều gì đi chăng nữa, thì bạn vẫn luôn phải chịu đựng một loại nỗi đau nào đó hoặc phải giải quyết những vấn đề rắc rối phiền não nào đó. Những trải nghiệm và cảm xúc tiêu cực như hối tiếc, đau đớn,… là bình thường, là tất yếu, không thể gạt bỏ và như ta sẽ thấy, chúng thực sự mang lại nhiều lợi ích. Chúng ta có thể coi như đó là một tiên đề luôn đúng. 

Từ việc thừa nhận tiên đề trên, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng: 

Cuộc sống là một chuỗi các vấn đề không hồi kết. Giải pháp của vấn đề này sẽ là nguyên nhân của vấn đề khác. Vậy nên đừng bao giờ kỳ vọng và trông chờ vào một cuộc sống “trải hoa hồng”. Việc ta cần làm là “đếch quan tâm” đến khó khăn và đương đầu với thực tế.

Chẳng hạn nếu bạn muốn giải quyết vấn đề nâng cao sức khỏe, bạn phải bỏ tiền để mua thẻ tập gym. Khi ấy, bạn lại tạo ra những vấn đề mới như phải dậy sớm để đến phòng tập đúng giờ rồi về tắm rửa cho khỏi bốc mùi. Hay khi bạn muốn có người yêu, bạn phải giải quyết vấn đề tân trang lại bản thân, học cách thu hút nửa kia. Rồi khi có người yêu, bạn lại phải giải quyết bài toán duy trì một mối quan hệ lành mạnh. Bạn sẽ giống như chú ngựa bị treo củ cải trước mũi vậy, bạn sẽ chạy không ngừng nghỉ. 

vòng xoáy khoái lạc

Tất cả chúng ta vẫn thường nói: “Nếu tôi giải quyết được vấn đề A, làm được cái B, đạt được cái C thì tôi sẽ hạnh phúc”. Nhưng các vấn đề có bao giờ kết thúc đâu. Do đó, có thể kết luận rằng: 

Hạnh phúc = giải quyết vấn đề

Đó chính là ý nghĩa của câu nói: “Hạnh phúc không phải đích đến mà là con đường ta đang đi”. Để hạnh phúc, ta cần thứ gì đó để giải quyết. Chúng tồn tại dưới dạng thức của hành động chứ không phải thứ gì đó được ban phát bất ngờ. Và việc chối bỏ sự tồn tại của các vấn đề, các cảm xúc tiêu cực hoặc né tránh trách nhiệm giải quyết các vấn đề, về bản chất, là bạn đang tự làm khổ mình, đang né tránh sự hạnh phúc cá nhân. 

Vậy nên, câu hỏi chính xác không phải là: “Tôi mong muốn điều gì ?”, mà phải là “Tôi muốn chịu đựng điều gì ?”. Điều đó sẽ quyết định hướng đi của cuộc đời bạn. 

hạnh phúc là gì

Chương III: Bạn cũng chẳng đặc biệt lắm đâu !

Ở chương này, Mark Manson giới thiệu tới chúng ta về khái niệm của “sự tự cho mình đặc quyền”: 

Sự tự cho mình đặc quyền là khi ta tự cảm thấy mình đặc biệt hoặc có ham muốn trở nên đặc biệt theo một cách nào đó, là khi ta thấy mình được quyền làm khác đi các quy luật tự nhiên hay các quy luật sẽ phải khác đi với mình. Hoặc dễ hiểu là khi ta thấy mình xứng đáng hơn người khác, xứng đáng có được mọi thứ ta muốn mà không phải chịu đựng gì cả. 

Ví dụ điển hình nhất về sự “tự cho mình đặc quyền” là những khóa học dạy làm giàu mà ta hay nghe trên báo đài gần đây. Mấy ông “thầy” chỉ bơm vào đầu học viên những suy nghĩ tích cực mọi lúc, mọi nơi và kích thích cơn phấn khích của họ. Các học viên thì nghĩ mình thật đặc biệt và tài giỏi, sẽ kiếm được 1 triệu đô một cách dễ dàng, sẽ là tổng giám đóc với chủ tịch tương lai,… Những người góp ý hay chỉ trích họ thì họ coi đó là ganh tị, ít hiểu biết. 

Nhưng ta đã nói về điều này rồi: thước đo đúng đắn nhất không phải là bạn cảm nhận ra sao về những điều tích cực của bạn, mà là cách bạn cảm nhận về những điều thiếu sót của bản thân. Có lẽ vì thế mà Mark Manson gọi nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm là cuốn sách dành cho người ghét self-help.

Đây là chương yêu thích của tôi trong sách nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm. Sự tự cho mình đặc quyền còn ẩn chứa dưới nhiều hình thức khác nữa trong mọi ngóc ngách của đời sống: các mối quan hệ, các quyết định của ta từ nhỏ tới lớn, các thước đo và hệ giá trị của ta. Đó sẽ là thứ chạy xuyên suốt cả cuốn sách này, từ việc quyết định ý nghĩa và sự hạnh phúc của cuộc sống, xây dựng những giá trị tốt đẹp, sự chịu trách nhiệm cá nhân và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. 

Thực tế là tôi cũng đã có một bài viết chia sẻ về chủ đề này. Bạn có thể tham khảo tại đây.

Chương IV: Giá trị của sự chịu đựng

Nội dung chính của chương IV xoay quanh việc lựa chọn những giá trị và thước đo đúng đắn, có lợi cho cuộc sống của bạn. Công cụ hữu hiệu đầu tiên giúp bạn làm điều đó mang tên “củ hành tự nhận thức”. 

củ hành tự nhận thức

Các giá trị sống sẽ quyết định các vấn đề mà bạn gặp phải trong đời, những vấn đề này lại quyết định chất lượng cuộc sống của ta. Do đó nếu muốn thay đổi chất lượng cuộc sống, bạn phải thay đổi các giá trị sống của mình. 

Dưới đây là cách xác định các giá trị tốt/xấu:

Giá trị tốt

  • Mang tính thực tế 
  • Có tính xây dựng xã hội 
  • Có thể làm ngay lập tức hay có thể kiểm soát

Giá trị xấu

  • Vô lí, phi thực tế hay mê tín
  • Phá hoại xã hội 
  • Nằm ngoài tầm kiểm soát 

Chương V: Bạn luôn luôn lựa chọn

Tôi cho rằng đây là chương hay nhất trong nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm bởi tính thiết thực của nó. Có lẽ bởi vậy mà nội dung cốt lõi của chương V rất cô đọng: 

Chúng ta, với tư cách là mỗi cá nhân, đều tự chịu trách nhiệm trước mọi điều xảy ra trong cuộc đời mình, bất chấp ngoại cảnh có là gì đi nữa. Chúng ta không kiểm soát được những gì xảy đến với mình, nhưng ta luôn kiểm soát cách ta nhìn nhận chúng và cách ta phản ứng với chúng, kể cả khi đó không phải là lỗi của ta. 

Chương VI: Bạn sai hết rồi (cơ mà tôi cũng vậy)

Trưởng thành là một quá trình lặp lại vô cùng tận. Chúng ta không đi từ sai tới đúng, mà đi từ chỗ sai tới chỗ sai ít hơn, và rồi ít sai hơn nữa, những chẳng bao giờ chạm được tới sự thật hoàn hảo. Ta không nên tìm kiếm câu trả lời đúng tuyệt đối cho mình mà nên tìm cách loại bớt những sai lầm để ngày mai ta có thể sai ít hơn. 

Đây là chương dài nhất và có lẽ cũng sẽ “xoắn não” nhất trong cuốn sách “nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm“. Ở chương này, Mark Manson đã chỉ ra một sự thật rằng: hầu hết niềm tin của chúng ta đều là sản phẩm của sự thành kiến quá khứ sai lệch tồn tại trong não bộ. Do đó, không có gì là chắc chắn và ta cũng không nên quá tin chắc vào bản thân mình. Thực tế là, việc không tin chắc vào bản thân cũng mang lại nhiều lợi ích: 

  • Loại bỏ được những thành kiến vô căn cứ, lối suy nghĩ võ đoán sai lầm của bản thân.
  • Giúp ta tự nhìn ra những thiếu sót của bản thân để thay đổi.
  • Giúp ta biết khiêm tốn, cởi mở và quyết đoán hơn trong việc thử thách bản thân với những thứ mới mẻ.
  • Cải thiện sức khỏe tinh thần do không còn phải bận tâm về những điều mà mình chưa biết, chưa chắc chắn. 

Mark Manson cũng giới thiệu tới các bạn một định luật do anh tự chế ra gọi là “định luật Manson về sự lảng tránh”: 

Thứ gì càng đe dọa tới cách bạn đánh giá bản thân thì bạn sẽ càng né tránh nó“.

Nếu bạn tin rằng mình là một chuyên viên bán bảo hiểm có đầu óc thực tế, bạn sẽ lảng tránh những công việc có tính nghệ sĩ, dù bạn thực sự có hứng thú với chúng. Nếu bạn tin rằng mình là một người đàn bà ngoan hiền, thì bạn sẽ lảng tránh việc trở nên táo bạo và nóng bỏng hơn trong phòng ngủ với chồng hay người yêu.

Hay nói cách khác, chúng ta cứ khăng khăng bỏ qua những cơ hội tốt vì chúng sẽ làm thay đổi cách ta nhìn nhận và đánh giá bản thân mình. Bởi thế cho nên, điều ta cần làm là hãy nhìn nhận bản thân mình theo một chiều hướng rộng rãi và cởi mở hơn, chứ không nên đóng đinh bản thân trong một hình mẫu cứng nhắc nào đó, tạo điều kiện để bản thân được tự phát triển. 

Chương VII: Thất bại là cách để tiến lên

Trong tất cả các chương của cuốn “nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” thì đây có lẽ là chương dễ đi vào lòng người nhất, đặc biệt là với những người “lười chảy thây” hoặc “thiếu động lực thay đổi” trong cuộc sống. 

Thường thì chúng ta nghĩ rằng để làm một điều gì đó thì chúng ta cần có động lực trước tiên: 

 

CẢM HỨNG → ĐỘNG LỰC → HÀNH ĐỘNG MONG MUỐN

Điều này không sai, nhưng ta hãy thay đổi góc nhìn một chút: động lực không chỉ là một dây chuyền có các mắt xích như trên, mà nó là một vòng lặp bất tận.  

Nguyên lí làm một điều gì đó

Giờ thì chúng ta có điều gì ? Các hành động không chỉ là kết quả của động lực mà bản thân nó cũng tạo ra động lực. Các hành động dẫn đến những phản ứng về mặt cảm xúc và cảm hứng để tiếp tục thúc đẩy hành động của bạn trong tương lai. 

Nguyên lí làm một điều gì đó

Từ đó, Mark Manson tạo ra nguyên lí “làm một điều gì đó“: 

Nếu bạn vướng mắc trước một vấn đề mà bạn chưa biết xoay sở thế nào hay sợ hãi trước kết quả, thì đừng chỉ ngồi và suy nghĩ về nó, hãy làm bất cứ điều gì đó và câu trả lời sẽ tới

Nguyên lí này không chỉ giúp bạn loại bỏ sự trì hoãn mà còn giúp bạn chấp nhận những giá trị sống mới tốt đẹp hơn. “Một điều gì đó” có thể là bất cứ điều gì mà bạn hành động hướng tới một điều gì đó khác, một sự thay đổi giúp bạn tiến về phía trước. Và quan trọng nhất là: thất bại trở nên không còn đáng sợ nữa !

Chương VIII: Tầm quan trọng của việc nói "không"

Sự tự do bản thân nó tuyệt đối không có ý nghĩa gì cả ! Thay vì vậy, tự do mang đến cơ hội cho những ý nghĩa lớn hơn. Và cách duy nhất để cảm nhận được tầm quan trọng của cuộc đời đó là loại bỏ bớt các khả năng, một sự thu hẹp của tự do, lựa chọn gắn kết với một thứ duy nhất.

Chúng ta đều cần quan tâm tới một điều gì đó, thì mới có thể trân trọng điều ấy. Và để trân trọng điều gì đó, chúng ta phải từ chối những thứ không phải là điều gì đó. Bạn sẽ phải lựa chọn. Do đó, ta có thể thấy rằng: nhiều hơn chưa chắc đã tốt hơn. Đây được gọi là “nghịch lý của sự lựa chọn“. 

nghịch lý của sự lựa chọn

Để dễ hiểu thì bạn cứ tưởng tượng rằng có 10 chàng trai/cô gái thích bạn mà bạn phân vân không biết chọn ai ấy. Cảm giác ấy không tuyệt vời lắm đâu, tin tôi đi. Cho dù bạn có chọn được lấy một người thì bạn vẫn luôn lo lắng không biết mình chọn có đúng không, có tốt nhất chưa, bởi bạn vẫn nhận thức được những lựa chọn mình đã bỏ lỡ kia.  

Tóm lại thì ở chương này, Mark Manson cho rằng việc nói “không” hay sự từ chối đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời chúng ta:

  • Sự từ chối, việc nói “không” là cần thiết trong việc xây dựng và bảo vệ các giới hạn và lòng tin trong một mối quan hệ lành mạnh, vô điều kiện. 
  • Sự từ chối giúp ta trở nên tự do hơn trong việc theo đuổi các chân giá trị mà ta đã lựa chọn, khi mà ta không còn phải bận tâm tới những thứ rắc rối không cần thiết xung quanh, bởi bạn đã từ chối chúng.

Chương IX: ...Và rồi bạn chết

Có thể bạn sẽ thấy thật quái đản rằng “nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” thì liên quan gì đến chết chóc cơ chứ ! Nhưng rồi bạn sẽ thấy, cái chết lại thực sự có một ý nghĩa sống còn cho cuộc đời của chúng ta. 

Cái chết là điều không thể tránh khỏi và nó khiến chúng ta sợ hãi, nhưng chính ở đó lại là nơi mà toàn bộ ý nghĩa cuộc đời ta được đong đếm. Nếu như không có cái chết, mọi thứ trôi qua thật tầm thường, sao cũng được, mọi thước đo và giá trị của ta chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Hay nói cách khác, nếu như không có cái chết, thì chúng ta sống cũng không có nghĩa lý gì cả. 

Do đó, đối mặt với cái chết là điều vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ giúp ta biết được đâu là ý nghĩa đẹp đẽ của cuộc đời ta, xóa bỏ tất cả những giá trị tệ hại, mong manh và nông cạn chỉ với câu hỏi: “rốt cuộc bạn còn lại điều gì ?“. Chỉ khi tồn tại cái chết chắc chắn thì chúng ta mới có thể quan tâm, trân trọng từng khoảnh khác mà ta đang sống, mới hiểu rằng điều gì là quan trọng và không quan trọng. Có thể nói rằng, cái chết chính là thứ định hướng toàn bộ cuộc đời của ta. 

"Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm" mang lại cho bạn điều gì ?

Trên đây là tất cả những gì tôi nghĩ sẽ giúp bạn hiểu thêm phần nào về cuốn sách “nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm“. Nhưng bạn biết tại sao tôi lại phải đọc đi đọc lại cuốn sách này không ? Đơn giản là vì đọc một hay hai lần chưa giúp tôi hiểu một cách thực sự sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của những vấn đề được đề cập tới trong sách.

Đây không chỉ là một cuốn sách để đọc, mà còn là để trải nghiệm, để bạn thực sự bước ra ngoài kia và tạo ra một con đường độc nhất dành cho bạn. “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” chính là cuốn cẩm nang của bạn, là người bạn đồng hành và là chiếc la bàn quý giá nhất mà bạn sở hữu trên con đường trưởng thành đầy chông gai, thử thách nhưng cũng đầy cảm xúc và đáng tự hào của bạn. Rồi khi chiêm nghiệm lại tất cả những thành công và sự sai lầm mà bạn đã trải qua, thì bạn mới có thể thấm thía từng câu, từng chữ mà Mark Manson đã viết. 

Chắc hẳn với bạn đôi lúc sẽ khó khăn. Bạn sẽ đụng phải những gồ ghề, những khúc quanh, những thời điểm mà cảm xúc chớm dâng trào rồi lại tụt dốc. Có thể bạn sẽ cảm thấy như thể mình là một kẻ thua cuộc, giả tạo và ngu ngốc. Bạn sẽ cảm thấy sợ hãi hoặc bực bội với nhiều người trong suốt quá trình ấy. Có thể bạn sẽ cảm thấy không chắc chắn về những gì mình đang làm, bạn sẽ tự nghi ngờ chính mình và sẽ tự hỏi “không biết mình làm vậy có đúng hay không ?” rất nhiều lần. Đôi lúc, bạn sẽ chẳng còn biết thế nào là đúng, thế nào là sai nữa. 

Cảm giác vô vọng này có thể kéo dài vài phút, vài giờ hay vài ngày, nhưng nhiều khả năng nếu bạn thúc ép bản thân, nếu bạn đơn thuần cố gắng thay đổi bản thân và điều hướng lại cách bạn tương tác với thế giới, sẽ có lúc bạn cảm nhận được thứ gọi là “sự trưởng thành“. Tôi hoàn toàn tin tưởng như vậy !

Sau tất cả, ánh sáng luôn ở phía cuối đường hầm. 

Sách của tác giả Mark Manson

Hãy like và chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích
Social media & sharing icons powered by UltimatelySocial

Ghé thăm fanpage của tôi để có cơ hội nhận thêm nhiều giá trị hữu ích