Tôi có quen biết một bà chị. Đó là một người phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ và thông minh. Và hơn thế, từ lâu tôi luôn mong muốn có một cuộc sống giống như chị: hấp dẫn, sành sỏi, nhiều mối quan hệ, nhiều hoạt động, thường lên pub vào mỗi cuối tuần, xả hơi và đu đưa cùng bạn bè, tán tỉnh và được tán tỉnh. Có lần tôi nói với chị: “Em phục chị thật, tiền nhiều mà bạn đông”, bà bảo: “Ờ, mày cứ lên đại học rồi biết”. Với tôi, đó là một cuộc sống đầy thú vị, sôi động và có chút hào nhoáng. Hay nói cách khác, thật khác thường và đặc biệt !

Suốt hơn một năm trời, dưới sự dẫn dắt của quyển “Quyến rũ phụ nữ bằng sự trung thực” của blogger Mark Manson, tôi bắt đầu đi ra ngoài và tán tỉnh phụ nữ như một con nghiện. Tôi tiếp cận phụ nữ ở khắp mọi nơi, bất cứ lúc nào có cơ hội: trên phố, trong quán café, phòng tập gym và hết thảy các quán pub đình đám nhất ở Hà Nội. Hay nói cách khác, tôi chơi cái game mà khi xưa Mark đã chơi, trải nghiệm con đường tình ái mà anh từng đi qua.

Đối với tôi, đó là một hành trình có ý nghĩa, mang tính thay đổi và trưởng thành hơn. Tôi đã thực sự trải nghiệm những khoảnh khắc thăng hoa, vui vẻ và cả những lúc xấu hổ, tổn thương và đầy sai lầm, thất bại. Thế nhưng, không phải tất cả những giá trị thúc đẩy tôi trên con đường này đều là tốt đẹp hoàn toàn. Tất nhiên, tôi vẫn giữ được cho mình một số động cơ tốt: thực sự muốn tương tác, thấu hiểu, đồng cảm và kết nối với phái đẹp; thực sự muốn trân trọng họ trong cái phút giây ngọt ngào thổi bay tâm trí ấy; muốn bày tỏ bản thân một cách chân thành và can đảm với phụ nữ,… Và đến giờ vẫn vậy.

Nhưng, chỉ khi tôi tĩnh lặng một mình trong màn đêm tối, sau bao chuyện đã trải qua, tôi mới nhận ra một sự thật rằng: những thứ mà tôi theo đuổi về cơ bản chỉ là một trạng thái, một cái vỗ vai an ủi, một sự bù đắp từ những cô nàng xinh đẹp, một cảm giác rằng tôi cũng thật đặc biệt và hấp dẫn làm sao !

Thế là tôi cứ nhảy lò cò từ quán pub này sang quán pub khác trong nhiều tháng ròng chỉ để thưởng thức một chút nhạc jazz, men rượu và trở nên thân mật, gần gũi với một cô gái xinh đẹp nào đó ở quầy bar, để được trải nghiệm nhiều hơn, để thấy mình đôi khi cũng sành điệu, hấp dẫn và nam tính đấy chứ !

hmm

Đôi lúc, tôi cũng thấy thật bực bội vì có những tối thứ 7 nhàm chán khi chỉ ru rú ở nhà mà không rủ được thằng bạn/con bạn nào ra ngoài chơi tới bến. Thậm chí tôi còn thấy tệ hơn khi nghĩ về bà chị sáng lóa của mình. Tôi muốn một cuộc sống thú vị và đáng kể cơ mà, tôi cũng muốn vui vẻ như thế !

Với tôi, cuộc chơi ấy như thể vừa có giá trị sâu sắc mà lại vừa phù phiếm và vô bổ ghê gớm. Nhưng cũng như hầu hết những sự thừa thãi khác trong cuộc sống, bạn cần phải đắm chìm vào trong đó để rồi nhận ra chúng không thể khiến cho bạn hạnh phúc thực sự.

Contents

CƠN ĐẠI DỊCH CỦA XÃ HỘI “ĐẶC BIỆT”

Trên thực tế, hầu hết tất cả chúng ta đều hoặc là có cảm giác mình thật đặc biệt, hoặc là luôn mong muốn bản thân mình sẽ thật đặc biệt, so với phần còn lại của thế giới, theo một cách thức riêng của mỗi chúng ta. Biến chứng gây hại của nó có thể là: ghen tị, kiêu ngạo, thiếu tự tin, thiếu trách nhiệm trong cuộc sống,…

Tôi có một cô bạn. Cô ấy có một ngoại hình ở mức trung bình và là một người cũng ít nhận được sự chú ý từ người khác. Thành thử ra, cô ấy lại rất hay thích diện những bộ đồ sexy và chụp choẹt trước gương bằng một loạt filter mà trông thực sự vẫn chẳng ra đâu vào đâu rồi post lên facebook và instagram, mấy cái caption thì chỉ thấy chia sẻ về việc cô ấy thấy cô đơn làm sao.

Cảm giác có một điều gì đó hơi gượng gạo ở nơi cô ấy, như thể cô ấy đang muốn tạo ra một hình ảnh về bản thân trông như một cô nàng ăn chơi và được nhiều anh chàng săn đón. Nhưng càng cố để trở nên “đặc biệt”, nó chỉ càng nhấn mạnh sự “bình thường” của cô.

Khi cô ấy thực sự có người yêu thì ngày nào cô cũng đăng ảnh và caption mùi mẫn để khoe, không hẳn là vì cô thực sự yêu anh chàng này (tôi cũng không chắc cơ mà tôi nghĩ thế), mà là cô muốn dựa dẫm vào mối quan hệ ấy để chứng tỏ bản thân mình cũng xinh đẹp, cũng quyến rũ, cũng được chiều chuộng và cũng có một cuộc sống “hoành tráng” với mối tình đầy lãng mạn làm sao ! Và mọi thứ xảy ra đúng như tôi dự liệu, bạn trai của cô đã “sút” cô rất nhanh chỉ sau tầm 2 tháng. Tội nghiệp thật ! 

Hoặc bạn cũng có thể biết một thằng nào đó dạo này đang muốn trở thành một bad boy chơi bời, cư xử thì lạnh lùng theo một cách kỳ cục, tập tành hút hít, xỏ khuyên và đú đởn xăm mình. Trông cũng ngầu phết ! Nhưng đâu ai biết sâu thẳm bên trong những thằng như vậy chỉ là một tâm trí luôn muốn có được sự công nhận, sự chú ý của những người xung quanh, luôn muốn có cảm giác phi thường và hơn người hay nói cách khác, luôn thiếu tự tin vào bản thân !

Những người luôn muốn được công nhận và trở nên đặc biệt thường thiếu tự tin vào bản thân
Những người luôn muốn được công nhận và trở nên đặc biệt thường thiếu tự tin vào bản thân

Ngày nay, mạng xã hội đã góp phần tạo ra cả một thế hệ tin rằng việc có những trải nghiệm tiêu cực là không bình thường. Cơn lũ thông tin cực đoan khiến ta tin rằng, sự khác thường và đặc biệt mới là bình thường, còn sự bình thường thì lại trở thành tiêu chuẩn của thất bại. Ta luôn bị ám ảnh bởi việc phải trở nên xuất sắc nhất, tốt đẹp nhất, đặc biệt hơn cả và sống một cuộc đời thực sự “đáng kể”. Điều này thật vô lý, bản chất của nó là thái độ tự yêu mình thái quá và sự ngạo mạn. 

Cơn đại dịch của xã hội “đặc biệt” khiến ta cảm thấy mình thật kém cỏi, thiếu an toàn hơn khi so sánh bản thân với những chuẩn mực phi thực tế mà mạng xã hội đang gieo rắc. Ta cảm thấy thật bất an và tuyệt vọng bởi vì rõ ràng là chúng ta không đủ tốt đẹp theo cách nào đó. Và để bù đắp, để cân bằng tâm lý, hoặc vì ghen tị, vì lòng tự tôn, ta cố ép mình phải nghiêm khắc hơn, quyết liệt hơn, nối loạn hơn để được xã hội ghi nhận và trở nên quan trọng. 

Mọi kỳ vọng về bản thân chúng ta bị rối loạn hết cả. Chúng ta muốn mình là “ông nọ bà kia” đôi khi không phải vì cảm thấy mình thực sự lớn lao và vĩ đại, mà là bởi ta cảm thấy mình cần phải lớn lao và vĩ đại để được xem là thành công, là hơn người trong cái cộng đồng mạng chỉ toàn phô bày những thứ thật đặc biệt. Những điều vớ vẩn được coi trọng trong khi những điều giản dị nhưng có ý nghĩa thực sự thì lại bị coi nhẹ.

Một vài người trong số chúng ta tưởng tượng ra một kế hoạch làm giàu thần tốc khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những người khác lại cố gắng trở thành một học sinh xuất sắc, tất cả các con điểm đều phải cao chót vót và chiến thắng mọi cuộc thi. Một số người thì lại đi gây gổ đánh nhau. Hoặc cũng có những người luôn muốn cưa cẩm phụ nữ và mau chóng được làm tình (mà tôi là một ví dụ không tồi !).

Sau tất cả, mọi thứ cũng chẳng thay đổi và tiến triển được gì. Còn bạn thì ngày càng chán nản hơn khi mà cảm thấy bản thân vẫn chưa đủ tốt, chưa đủ đặc biệt dù đã cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa. Con người ta không chỉ bị khuất phục trước các vấn đề rắc rối của bản thân, mà ta còn cảm thấy thất bại khi chỉ với một cú click chuột là ta cũng có thể thấy rất nhiều người đang có một cuộc sống “sung sướng” và “tuyệt vời” hơn ta.

Không cần trở nên đặc biệt, chỉ cần trở thành phiên bản tốt nhất của bạn
Không cần trở nên đặc biệt, chỉ cần trở thành phiên bản tốt nhất của bạn !

Nói đi thì cũng phải nói lại, cái cảm giác đặc biệt này, hay còn gọi là “cái tôi” (theo nghĩa hẹp), là một bản chất cố hữu của con người từ xa xưa. Vậy nên, trước khi chúng ta học cách đối phó với chúng, ta cần hiểu rằng đó là một phần “xấu xí” tất yếu của con người, và ta không cần tự trách móc, chối bỏ hay chán ghét bản thân vì vậy. Thay vì thế, ta nên thành thật đón nhận nó, chấp nhận chung sống cùng nó và từ từ giải quyết nó. Bởi, sự thật là, cảm giác bản thân mình đặc biệt cũng rất tuyệt, phải không ?

BÀI HỌC ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC

Rất nhiều người sợ phải chấp nhận bản thân “có lẽ cũng chỉ bình thường như bao người khác mà thôi”. Nhưng tôi muốn nói với bạn một sự thật không mấy dễ chịu rằng: toàn bộ cái việc “tôi phải sống một cuộc đời thật đáng mơ ước và có ý nghĩa” chẳng qua chỉ là thứ để vỗ về cái tôi của bạn thôi. Điều đó có thể kích thích cơn hưng phấn nhất thời của bạn, nhưng cũng giống như ma túy vậy, nó rất độc hại.

Sẽ chẳng có nghĩa lý quái gì trong cái việc bạn hơn được người khác và bạn đặc biệt so với đa số mọi người ngoài kia, theo một cách nào đó. Bạn cứ thử tự hỏi bản thân rồi trả lời mà xem, rốt cuộc việc theo đuổi cái lối sống hưởng thụ, việc trở nên thật hấp dẫn, thật cool ngầu và được người khác chú ý có ý nghĩa gì ngoài việc vỗ về cái tôi, cái sĩ diện của bạn ?

Do đó, điều bạn cần làm là hãy chấp nhận, trân trọng và yêu thương chính bản thân mình ở hiện tại, kể cả có những điều mà bạn không cảm thấy hài lòng lắm về mình. Hãy đặt mình ra khỏi phép so sánh khập khiễng và vô lý với một ai đó, hãy từ bỏ nhu cầu được những người xung quanh công nhận, chú ý và đánh giá cao. Chỉ khi buông bỏ được những điều phù phiếm thì bạn mới có đủ tâm trí để đầu tư vào những điều thực sự có giá trị cho cuộc sống, mang lại sự hạnh phúc cho bản thân.

Ngưng so sánh bản thân với người khác
Ngưng so sánh bản thân với người khác

Hay như bà chị của tôi, trong khi tôi cứ nghĩ là bà ấy sống một cuộc đời đặc biệt, hào nhoáng và đáng kể, thì có khi bả lại chẳng có tí khái niệm gì về những điều mà tôi đang nghĩ. Thật thế, đó có lẽ cũng chỉ là một con người bình thường, cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Hàng ngày cũng phải cong mông lên để chạy deadline, để làm bài tập, đôi khi thức đêm thức hôm để ôn thi qua môn. Cũng có những lúc cả ngày chỉ ở nhà và cày phim, như mọi người chúng ta.

Ở chị cũng có những nỗi lo, những tham vọng về tương lai và cũng phải cố gắng trau dồi bản thân nhất có thể, phải đổ mồ hôi công sức để đạt được những điều đó, như một người bình thường vẫn vậy. Chị thích về nhà, ăn những món bình thường chúng ta vẫn ăn, quây quần cùng gia đình và trân trọng những điều nhỏ bé nhưng lại rất ý nghĩa ấy trong khoảng thời gian còn có thể làm được. Chị không đánh giá bạn bè qua tiền bạc, qua vẻ bề ngoài hay qua sự khác thường mà nhìn nhận bằng giá trị con người, cách mà ta chơi với nhau. Và tôi gọi đó là “sự trưởng thành”.

Thực tế là, tất cả mọi người chúng ta, đều rất đỗi bình thường, theo một khía cạnh nào đó. Chẳng có ai cũng như chẳng có thứ gì là đặc biệt hoàn toàn. Ai cũng có những điểm yếu, những sai lầm và những nỗi đau trong lòng. Ai cũng có những câu chuyện, những vấn đề của riêng mình. Chỉ là họ có đủ can đảm để thừa nhận không thôi.

Đường cong chuông thể hiện rằng: đa số chúng ta đều không có gì đặc biệt
Đường cong chuông thể hiện rằng: đa số chúng ta đều chỉ ở mức trung bình

Cứ cho bạn là Phạm Nhật Vượng đi thì bạn cũng vẫn phải đối mặt với những vấn đề hết sức bình thường trong cuộc sống như: rèn luyện và chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy và giáo dục con cái, giải quyết một vài mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng,… Thấy chưa, có gì đặc biệt hay hấp dẫn đâu ?

Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của bản thân không có gì đáng nhớ và phi thường, thì hãy cứ nghĩ rằng ngoài kia cũng có hàng triệu người cũng giống như bạn vậy, cũng gặp phải những vấn đề rắc rối tương tự bạn thôi. Và họ cũng đang cảm thấy khá ổn thỏa với bản thân và thong thả giải quyết những vấn đề của mình, có ai kêu ca gì đâu. Vậy tại sao bạn cứ phải cố gắng để trở nên “khác lạ” ?

Một khi bạn nghĩ rằng cuộc đời chỉ thực sự đáng giá khi nó có gì đó đáng kể và tuyệt vời, thì về cơ bản bạn đã thừa nhận rằng hầu hết tất cả chúng ta, kể cả bạn, đều thật tệ hại và vô dụng. Nhưng sự thật đâu phải thế !

Vì vậy, hãy học cách đánh giá bản thân và mọi người xung quanh theo những thước đo bình thường và bao dung nhất có thể: một người bạn, một người vợ/chồng, một người lao động, một công dân,… Đừng đánh giá bản thân theo góc độ hẹp như kiểu một tay hấp dẫn hút gái dã man, một thiên tài toán học, một nhà doanh nghiệp trẻ tuổi thành đạt hay một người nổi tiếng,… Đó đều là những kỳ vọng phi thực tế, là những áp lực liên miên mà bạn tự đặt ra cho mình mà kết quả là chỉ có những sự tự trách móc, phán xét, bất an và cảm giác thất bại.

Để có được sự hành phúc, ta phải chấp nhận một sự thật nhạt nhẽo rằng: “có thể cuộc đời này của ta sẽ chàm òm, chẳng có gì đáng nhớ cả, và như thế thì cũng chả sao hết !”. Khi ấy, áp lực phải trở nên thú vị và tuyệt vời sẽ được trút khỏi vai bạn, sự căng thẳng và lo lắng sẽ tiêu tan khi nhu cầu chứng tỏ bản thân của bạn biến mất.

Bạn sẽ ngày càng trân trọng những điều đơn giản
Bạn sẽ ngày càng trân trọng những điều đơn giản

Rồi bạn sẽ ngày càng trân trọng những thứ nhỏ bé và bình thường nhưng thực sự đáng giá như: dành thời gian bên gia đình và một số ít những người bạn thân, giúp đỡ được một ai đó mà không cần trả ơn, rèn luyện sức khỏe và phát triển bản thân,… Đó đều là những thứ hết sức tầm thường và căn bản mà con người ta ai cũng làm, nhưng chính vì vậy mà nó lại thực sự trở nên quan trọng và có ý nghĩa lâu dài.

Nghịch lý là, khi bạn tập trung vào những điều “bình thường” ấy trong thời gian đủ dài, thì bạn lại đạt được những kết quả phi thường mặc dù bạn không chủ động tìm kiếm chúng. Ví dụ dễ thấy nhất là việc tập gym: bạn sẽ có một body chuẩn sau khi tập luyện những bài tập đơn giản và nhàm chán nhưng bền bỉ trong nhiều tháng hay nhiều năm.

Tôi có một anh bạn thích hát hò từng nói: “Tất cả những ca sĩ trên sân khấu trước khi được nhiều người biết đến, họ đều phải trải qua rất nhiều giờ luyện tập thanh nhạc tẻ nhạt một mình trong phòng mà chả ai để ý, từ ngày này sang ngày khác”. Tôi hoàn toàn tin vào điều đó ! Đừng cố làm những thứ to tát hay phi thường, tập trung vào những điều đơn giản và tẻ nhạt nhưng kiên trì, bạn sẽ thành công ! 

Hãy luôn kiên trì với những điều đơn giản
Hãy luôn kiên trì với những điều nhỏ bé

Tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng, với tất cả những gì tôi viết ở trên, không có nghĩa là bạn không thể trở nên khác biệt so với một số người. Con người ta chẳng ai giống ai hết cả. Nhưng vấn đề là bạn phải nhận thức rất rõ động cơ và ý nghĩa của sự khác biệt đó: nó có vi phạm pháp luật hay đạo đức xã hội không ? nó có thực tế không ? Nó có mang lại lợi ích thiết thực và sự phát triển cho cá nhân tôi và những người xung quanh ?

Nghĩa là bạn hoàn toàn có thể có những giá trị sống, quan điểm và cách làm khác với mọi người vì bạn thấy nó thực sự đúng đắn và có ích, chứ không phải vì bạn thấy làm như vậy thì mình sẽ thật đặc biệt và phi thường. Không phải là bạn cố để trở nên khác biệt, mà là chẳng may cách suy nghĩ của bạn khác với mọi người thôi. Và như vậy thì cũng chẳng sao cả, miễn là nó còn nằm trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức.

Chẳng hạn, tôi thường tiến đến tiếp cận phụ nữ bằng cách nhìn thẳng vào mắt họ, chìa tay ra và nói: “Mình thấy bạn rất dễ thương, mình muốn nói chuyện với bạn”. Cách làm này có vẻ không bình thường lắm đúng không ? Có người thích cũng có người chẳng ưa gì. Nhưng tôi cũng không rảnh mà làm vậy chỉ để thấy mình hay ho hoặc để chứng tỏ bản lĩnh gì cả. Chỉ là trong khoảnh khắc ấy tôi không muốn bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ một người phụ nữ duyên dáng khiến tôi vui vẻ và hạnh phúc. Chỉ vậy thôi !

CUỐI CÙNG THÌ…

Hạnh phúc là một thứ mà chúng ta phải cố gắng rất nhiều để đạt được. Con đường ấy có cả những thất vọng, nghi ngờ bản thân, bất an và thất bại. Nhưng sau tất cả, khi nhìn lại, ta mới thấy những khoảnh khắc mà ta đối diện với khó khăn và gian nan mới là những thời điểm có ý nghĩa và khiến ta hạnh phúc nhất trong đời. Nếu như ta cứ tiếp tục theo đuổi những thú vui tích cực giả tạo mà không thực sự hành động vì một điều gì đó đáng giá, chúng ta mãi mãi không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.

Hạnh phúc không đến từ sự tích cực giả tạo
Hạnh phúc không đến từ sự tích cực giả tạo

Tôi biết để từ bỏ cái tôi của bản thân chắc chắn là một điều không hề dễ dàng. Đôi lúc các bạn, và cả chính tôi nữa, vẫn có thể cảm thấy ghen tị, bất an, tự ti và kém cỏi về bản thân, vẫn có ham muốn trở nên thú vị, đáng kể và đặc biệt. Nhưng điều quan trọng là cách mà ta nhìn nhận về những cảm xúc ấy, cách mà ta chấp nhận chúng và cách mà ta hành động, điều mà ta quan tâm. Vì thế, tôi muốn viết bài này cũng là để tự nhắc nhở bản thân mình trong những lúc bi quan và tồi tệ nhất, để tự định hướng lại sự quan tâm của mình vào những điều thực sự có giá trị trong cuộc sống. 

Và trong những lúc “khó ở” như thế, tôi thường đọc lại một đoạn văn của Mark Manson:

“Bạn đã sẵn tuyệt vời rồi ! Dù bạn hay ai đó có nhận ra điều này hay không. Và đó không phải bởi bạn viết được một ứng dụng dành cho iphone, hoàn thành chương trình đại học sớm 1 năm hay tậu được một con tàu rất oách. Những điều này không định nghĩa được bạn có tuyệt vời hay không.

Bạn tuyệt vời bởi khi đối diện với những nỗi hoang mang bất tận và cái chết chắc chắn, bạn vẫn tiếp tục lựa chọn thứ gì là quan trọng và đáng để bận tâm. Cái thực tế nhỏ bé này, cái lựa chọn giản đơn về những giá trị sống cho bản thân này đã sẵn khiến bạn đẹp đẽ, thành công và được yêu thương. Ngay cả khi bạn không nhận ra điều đó, ngay cả khi bạn đang ngủ dưới gầm cầu và đói khát.”

Hãy luôn ghi nhớ rằng: “Mỗi ngày là một cuộc sống mới”. Không cần biết quá khứ của bạn thế nào, tương lai bạn ra sao, chỉ cần bạn đón nhận bản thân ở hiện tại, sống hết mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà cuộc sống đã ban tặng cho bạn. Nhớ nhé !

Hãy like và chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích

danganh

Xin chào ! Tôi là Phan Đặng Anh, và đây là nơi tôi chia sẻ những giá trị sống mà tôi cho là sẽ giúp bạn tự tin hơn, hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Hy vọng bạn sẽ thích những câu chuyện "zớ zẩn" của tôi ! Xem tất cả bài viết của danganh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *