Ngày nay, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông-giải trí, chúng ta vẫn thường bắt gặp những drama gây tranh cãi, dù đôi khi nó thật vô bổ. Nhưng việc chúng ta cứ suốt ngày chìm đắm hít hà các drama như vậy không phải là sự ngẫu nhiên, từ những việc như cô giáo Minh Thu hay vấn đề làm từ thiện của một vài nghệ sĩ.
Chính truyền thông là thứ đã khuấy động và hướng mọi người vào những thứ như vậy một cách có chủ đích. Môi trường truyền thông hiện đại, để kiếm được lợi nhuận, họ đã dắt mũi đám đông bằng việc khuyến khích và duy trì những vấn đề gây tranh cãi có tính công kích nhẹ, lan truyền nó tới đám đông, tạo ra sự giận dữ và lại lan truyền sự giận dữ ăn sâu vào tâm trí người dùng mạng xã hội, thay vì thực sự giải quyết một vấn đề thực tiễn nào đó.
Sự giận dữ ấy khiến mọi người chỉ biết nóng nảy, chửi bới và mạt sát một người hay một việc nào đó mà quên đi những vấn đề thực sự đáng quan tâm hơn. Chẳng ai còn nhớ nổi mình đã ngốn bao nhiêu thời gian để đôi co với một vài gã lạ mặt trên mạng xã hội mà không thu được lợi ích gì.
Bản thân cộng đồng mạng cũng là những cá thể rất dễ bị dắt mũi và kích động. Đằng sau bàn phím, chúng ta ngày càng dễ dàng hơn trong việc “bày tỏ bản thân” và lan tỏa nó tới rất nhiều người. Vì thế không có gì khó hiểu khi xã hội ngày nay bị phân cực và có tính tranh cãi hơn.
Con người ta cứ phát nghiện với cái cảm giác bực bội bất cứ lúc nào vì điều ấy mang lại cho họ cảm giác hưng phấn – trở nên tự cao tự đại và vượt trội về mặt đạo đức luôn mang lại cảm giác thỏa mãn. Nhưng về lâu dài, cảm giác giận dữ ấy sẽ ăn mòn chúng ta từ trong ra ngoài, khiến ta trở thành những con người lạnh lùng, võ đoán và ích kỷ. Không những thế, nó còn quỷ quyệt hơn mọi thói đồi bại trên đời, bởi trong tiềm thức, ta không biết nó mang lại sự thỏa mãn.
Mạng xã hội cũng đã tạo ra một nguồn mở về sự bất an và tự ti. Bởi truyền thông luôn hướng dư luận vào những thứ “nhất”: giàu có nhất, nổi tiếng nhất, quyền lực nhất, thành công và được yêu quý, quan tâm, bảo vệ nhất thì ta nhận thức được giá trị của bản thân bị giảm sút, rằng ta không đủ tốt theo một cách nào đó.
Và để cân bằng tâm lí, ta sử dụng thói quen gây nghiện của mình là sự giận dữ và phán xét, hướng họng súng vào những thứ “nhất” đó để thấy tốt đẹp hơn về chính mình, thay vì thực sự làm điều gì đó có ích. Chúng ta cứ thế mà nổi nóng trước đã chứ cũng chẳng cần chờ đợi mọi sự rõ ràng sau khi sự thật được xác minh làm rõ.
Và thế là giới truyền thông kiếm tiền trên sự đả kích, tranh cãi và giận dữ của chúng ta. Họ thích những thông tin không đầu không đuôi không bằng không chứng, bởi khi mọi thứ chưa rõ ràng thì họ mới có đất kiếm tiền.
Một phần của xã hội tự do, dân chủ và cấp tiền đó là sống và làm việc theo pháp luật, không phải theo dư luận. Tư tưởng cho rằng sự giận dữ và chửi rủa của cộng đồng mạng sẽ o ép được ai hay điều gì đó, về bản chất chỉ là một tư tưởng côn đồ, bắt nạt.
Đó là lý do mà ta nên lựa chọn cuộc chơi cho mình thật cẩn thận, tránh sa đà vào những thứ vô bổ không đáng giá, đồng thời giữ một thái độ hoài nghi cac thông tin đại chúng ở một mức độ nào đó, tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi đưa ra chính kiến, tránh bôi đen và phán xét người khác.