Chúng ta đều có một người – người mà chúng ta luôn phải tự nhủ rằng: “Giá như họ thay đổi…”. Tháng qua tháng, năm qua năm – chúng ta yêu họ, chúng ta quan tâm tới họ, chúng ta lo lắng về họ, nhưng ngay khi chúng ta ở một mình, ta lại tự nhủ rằng: “Giá như họ sẽ…”

Có thể họ là một người thân trong gia đình. Có thể họ đang trầm cảm, tan vỡ, tuyệt vọng. Có thể họ không tin tưởng bản thân mình. Và mỗi khi nhìn thấy họ, bạn cố gắng sửa đổi họ bằng cả chân tình, bạn khen ngợi cái áo mới của họ và nói rằng cái tóc mới của họ đẹp đẽ ra sao. Bạn luôn khuyến khích họ, đưa ra những lời khuyên, giới thiệu một hay hai quyển sách và rồi lại tự nhủ rằng:

“Giá mà họ tin tưởng vào bản thân hơn…”

Hoặc đó có thể là một người bạn. Có thể bạn nhìn thấy họ ở đâu đó. Họ uống quá nhiều, ngoại tình, thổi bay khoản tiền của họ cho những sở thích hoang phí. Bạn kéo họ sang một bên rồi đặt tay lên vai họ và nói rằng bạn bè thì nên giúp đỡ lẫn nhau. Có thể bạn quan tâm tới tài khoản ngân hàng của họ và thậm chí có thể cho họ vay một vài khoản nợ. Trong khi ấy, trong đầu bạn tiếp tục nghĩ:

“Giá như họ biết chịu trách nhiệm hơn…”

Hoặc đó cũng có thể là điều tồi tệ nhất. Có thể đó là chồng/vợ/bạn trai/bạn gái của bạn. Hoặc thậm chí tệ hơn, đó là chồng/vợ/bạn trai/bạn gái cũ của bạn. Có thể nó đã chấm dứt nhưng bạn vẫn tiếp tục hi vọng rằng họ sẽ thay đổi theo một cách nào đó. Đó là những mẩu thông tin đặc biệt mà họ đã bỏ lỡ, thứ mà có thể thay đổi mọi điều. Có thể bạn tiếp tục mua những quyển sách mà họ chẳng chịu đọc nó. Có thể bạn kéo họ vào một buổi trị liệu mà họ không muốn đi. Có thể bạn cố gắng gửi những đoạn voicemail đầy nước mắt vào lúc hai giờ sáng, la hét lên: “Tại sao anh bỏ tôi ?”

Ờ, như thể điều đó có nghĩa lý gì vậy…

thất vọng

Chúng ta đều có những người như vậy trong cuộc sống. Yêu không được mà mất cũng chẳng xong. Bởi vậy, chúng ta quyết định, cách duy nhất để cứu vãn tình cảm này là bằng cách nào đó thay đổi họ.

“Giá như họ đã…”

Trong bài nói chuyện của tôi trong mùa xuân này, tôi có một vài Q&A ngắn vào cuối buổi. Luôn luôn, ở mọi thành phố, có ít nhất một người đứng lên, trình bày dài dòng về tình huống rối rắm của họ và kết thúc với: “Làm thế nào tôi có thể thay đổi anh ấy/cô ấy ? Nếu họ làm X, mọi thứ sẽ tốt hơn.”

Và câu trả lời của tôi, trong mọi trường hợp, đều giống nhau: Bạn không thể

Bạn không thể khiến ai đó thay đổi. Bạn chỉ có thể truyền cảm hứng cho họ thay đổi. Bạn có thể dạy họ đi tới sự thay đổi. Bạn có thể hỗ trợ họ trong sự thay đổi đó.

Nhưng bạn không thể thay đổi họ.

Đó là bởi vì khiến ai đó làm một điều gì đó, thậm chí là vì mục đích tốt, luôn đòi hỏi hoặc là ép buộc, hoặc là thao túng. Nó đòi hỏi sự can thiệp vào cuộc sống của họ theo một cách thức xâm phạm đến giới hạn, và nó do đó sẽ gây hại đến mối quan hệ – trong nhiều trường hợp, hơn là sự giúp đỡ.

Có những sự xâm hại giới hạn mà thường bị quên đi vì họ thực hiện nó với ý định tốt. Timmy mất việc. Timmy nằm dài trên chiếc đi văng nhà mẹ, tan vỡ, và cảm thấy hối lỗi mỗi ngày. Vậy nên, mẹ anh ta bắt đầu làm hồ sơ xin việc cho Timmy. Mẹ bắt đầu hét vào mặt Timmy, réo tên của anh và tạo cảm giác tội lỗi cho anh vì đã trở nên thất bại. Có thể cô ấy thậm chí vứt cái Playstation của anh ra ngoài cửa sổ vì mục đích tốt, chỉ để anh ta có thêm động lực.

Trong khi ý định của người mẹ là tốt, và trong khi một vài người có thể thậm chí gọi đó là một dạng cực kỳ sâu sắc của tình yêu bền chắc, thể loại hành vi này cuối cùng sẽ phản tác dụng. Đó là xâm phạm giới hạn. Đó là nhận trách nhiệm cho hành động và cảm xúc của người khác, và thậm chí khi làm nó với những ý định tốt nhất, những sự xâm phạm giới hạn cuối cùng sẽ gây hại cho mối quan hệ.

Hãy nghĩ theo cách này. Timmy đang cảm thấy hối lỗi với bản thân. Timmy đang đầu tranh để tìm lại vị trí của mình, sống trong cái thế giới tàn nhẫn và lạnh lẽo này. Sau đó, đột nhiên, người mẹ tới và vứt chiếc Playstation trong khi thực sự theo nghĩa đen, đang đi ra ngoài và tìm việc cho anh ấy. Không chỉ hành động này không giải quyết vấn đề của Timmy về niềm tin rằng thế giới này thật tàn nhẫn và lạnh lẽo và anh ta không có chỗ trong đó, nhưng đó thực sự là bằng chứng rõ nhất cho Timmy thấy rằng có một giá trị nền tảng nào đó đang sai với anh ấy.

Sau tất cả, nếu Timmy không phải thằng khốn nạn, anh ta sẽ không cần mẹ mình ra ngoài và tìm việc cho anh, phải không ?

Thay vì Timmy học được rằng: “Hey, thế giới kia luôn đúng, tôi có thể giải quyết nó”, thì bài học lại là “Oh yeah, tôi là một người đàn ông trưởng thành cần mẹ mình làm mọi thứ cho anh ta – tôi biết là có điều gì đó sai sai mà”.

Bạn không thể thay đổi họ nếu họ không muốn
Bạn không thể thay đổi họ nếu họ không muốn

Theo cách này thì những nỗ lực tốt nhất trong việc giúp đỡ người khác thường phản tác dụng. Bạn không thể khiên ai đó tự tin hay tôn trọng bản thân hay nhận trách nhiệm – bởi những cách mà bạn làm vậy sẽ hủy hoại lòng tự tin, tôn trọng và trách nhiệm của họ.

Để một người thực sự thay đổi, họ phải cảm nhận được sự thay đổi đó là của họ, rằng họ chọn nó, kiểm soát nó. Nếu không, nó sẽ hủy hoại mọi nỗ lực.

Một lời chỉ trích phổ biến về công việc của tôi là, không như phần lớn các tác giả self-help, tôi không bảo mọi người phải làm gì. Tôi không thiết kế kế hoạch hành động với các bước từ A đến F hay tạo ra hàng tá bài tập ở cuối mỗi chương.

Nhưng tôi không làm nó vì một lý do đơn giản: tôi không quyết định điều gì là đúng cho bạn. Tôi không quyết định điều gì sẽ khiến bạn trở thành một người tốt hơn. Và nếu tôi quyết định điều đó, thực tế rằng tôi bảo bạn làm nó, chứ không phải bạn làm nó cho chính bạn, tôi đã đánh cắp hầu hết những lợi ích cảm xúc của bạn.

Những người có xu hướng sống ở thế giới self-help là bởi vì họ thường xuyên không có khả năng chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Đó toàn là những người đã trôi nổi suốt cuộc đời để tìm kiếm một ai khác – một số nhân vật quyền lực hay tổ chức hoặc bộ nguyên tắc – bảo họ chính xác những gì họ nghĩ, họ làm, họ quan tâm.

Nhưng vấn đề là, mọi hệ giá trị rốt cuộc đều sụp đổ. Mọi định nghĩa thành công cuối cùng đều tan thành mây khói. Nếu bạn phụ thuộc vào hệ giá trị của người khác, thì bạn sẽ cảm thấy đánh mất bản thân ngay từ vạch xuất phát.

Họ phải tự nhận trách nhiệm cho cuộc đời mình
Mỗi người luôn tự nhận trách nhiệm cho cuộc đời mình

Vậy nên, nếu ai đó như tôi đứng trên sân khấu và nói rằng để tiết kiệm một nửa thời gian sống của bạn, tôi sẽ lãnh trách nhiệm cho cuộc đời bạn và nói cho bạn chính xác những việc bạn cần làm và những giá trị gì bạn nên theo đuổi, thì không chỉ tôi đang đơn thuần kéo dài vấn đề gốc rễ của bạn, mà tôi còn làm hại bạn nếu tôi làm vậy.

Những người tồn tại với sự chấn thương, những người bị bỏ rơi hay làm nhục hoặc cảm thấy mất mát, họ đã sống với nỗi đau đó bằng cách nắm bắt những thế giới quan cho họ hy vọng. Nhưng trừ khi họ học được cách tạo ra hy vọng cho bản thân, lựa chọn giá trị cho riêng họ, lãnh trách nhiệm cho những vấn đề của riêng họ, sẽ chẳng có gì cải thiện cả. Và nếu ai đó can thiệp và nói: “Đây, lấy giá trị của tôi mà dùng, cứ xài thoải mái đi” thì nó sẽ chỉ kéo dài vấn đề, ngay cả khi là với ý định tốt nhất.

(Cảnh báo trước: can thiệp tích cực vào cuộc sống của ai đó có thể là cần thiết nếu người đó trở nên nguy hiểm cho bản thân họ và những người khác. Và khi tôi nói “nguy hiểm”, ý tôi là thực sự nguy hiểm – họ chơi thuốc quá liều hoặc trở nên thất thường và bạo lực và có hoang tưởng rằng họ đang đu đưa từ Tây Ban Nha sang Tunisia ấy.)

Contents

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP NGƯỜI KHÁC ?

Vậy thì, nếu bạn không thể ép buộc người khác thay đổi, nếu việc can thiệp vào cuộc sống của họ theo cách loại bỏ trách nhiệm của họ cho lựa chọn của riêng họ cuối cùng phản tác dụng, vậy cần làm gì ? Làm thế nào để giúp người khác ?

1, DẪN DẮT BẰNG VÍ DỤ

Bất kỳ ai từng tạo ra một sự thay đổi lớn trong cuộc đời họ cũng đều nhận ra rằng nó có dư âm cho những mối quan hệ của họ. Bạn ngừng uống rượu và tiệc tùng, và đột ngột bạn nhậu của bạn cảm thấy như bạn đang phớt lờ họ hay “quá tử tế” với họ.

dẫn dắt sự thay đổi bằng câu chuyện của mình
dẫn dắt sự thay đổi bằng câu chuyện của mình

Nhưng đôi lúc, chỉ vài lúc thôi, có thể một trong số họ cũng nghĩ với bản thân: “Damn, yeah, có thể tôi cũng nên giảm đi thì hơn” và họ rời khỏi con tàu tiệc tùng cùng bạn. Họ tạo ra sự thay đổi giống như bạn làm. Và đó không phải bởi vì bạn đã can thiệp và kiểu như: “Dude, dừng uống say khướt vào thứ Ba lại”, đó chỉ đơn giản là vì bạn ngừng uống, và rồi nó trở thành cảm hứng cho những người khác.

2, THAY VÌ CHO AI ĐÓ CÂU TRẢ LỜI, HÃY CHO HỌ CÂU HỎI TỐT HƠN

Một khi bạn công nhận rằng ép buộc câu trả lời của riêng bạn lên họ sẽ hủy hoại lợi ích của câu trả lời từ họ, thì lựa chọn duy nhất hợp lý là hãy hỏi họ những câu tốt hơn.

Thay vì nói: “bạn nên chiến đấu để thăng tiến”, bạn có thể nói: “Bạn có nghĩ rằng mình được trả công xứng đáng ?”

Thay vì nói: “Tao cần mày ngừng chịu đựng cho những điều tồi tệ của người yêu mày”, hãy nói: “Mày đã bao giờ coi trọng một cái toilet ? Đây, tao sẽ chỉ cho mày cách dùng nó nhé ?”

Đặt câu hỏi rất khó. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn. và tư duy. Và sự quan tâm. Nhưng đó có thể là lý do tại sao nó hữu ích. Khi bạn chi trả cho một phương pháp trị liệu, bạn về bản chất chỉ đang trả cho những câu hỏi tốt hơn. Và đó là lý do tại sao vài người cảm thấy trị liệu chẳng có mấy tác dụng, bởi vì mấy tay chuyên gia nghĩ họ có câu trả lời cho mọi vấn đề, nhưng những gì mà người bệnh cần là nhiều câu hỏi hơn.

3, GIÚP ĐỠ VÔ ĐIỀU KIỆN

Điều đó không có nghĩa là bạn không bao giờ có thể cho ai đó câu trả lời. Nhưng những câu trả lời đó phải được tìm kiếm bởi chính họ. Đó là một sự khác biệt giữa việc tôi nói: “Hey, tôi biết điều gì tốt nhất cho bạn” và việc bạn đến với tôi và nói: “Bạn nghĩ điều gì là tốt nhất cho tôi”.

Một người tôn trọng quyền tự quyết và tự chủ của bạn. Người kia thì không.

Giúp đỡ người khác vô điều kiện

Do đó, thông thường điều tốt nhất bạn có thể làm là đơn giản hãy ở bên họ nếu người kia cần bạn. Đó là điều căn bản: “Hey, tôi biết bạn đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn ngay lúc này. Nếu bạn muốn chia sẻ thì hãy nói tôi biết nhé.”

Nhưng nó cũng có thể phức tạp hơn. Một vài năm trước, một người bạn của tôi đang trải qua xích mích với bố mẹ. Thay vì cho anh ấy lời khuyên hay bảo anh ấy nên làm gì, tôi chỉ đơn giản chia sẻ với anh ấy những vấn đề mà tôi từng có với bố mẹ tôi trong quá khứ, thứ mà tôi tin là sẽ giống của họ. Cái đích không phải là ép bạn tôi nhận lời khuyên của tôi hay làm những gì tôi đã làm hay thậm chí quan tâm tới những gì xảy ra với tôi. Điều đó hoàn toàn là cho họ.

Tôi chỉ đơn giản là đưa ra một lời đề nghị. Đặt ra vấn đề. Và nều nó hữu ích cho anh ấy theo cách nào đó, anh ấy có thể sử dụng nó. Còn nếu không, thì cũng ổn thôi.

Bởi vì khi thực hiện theo cách này, những câu chuyện của chúng ta mang theo giá trị của chúng ta ra ngoài. Đó không phải là tôi đang cho anh ấy lời khuyên. Và quyền lựa chọn và nhận trách nhiệm cho tương lai của anh không bao giờ bị gây trở ngại, không bao giờ bị lấn chiếm, luôn được công nhận.

Bởi vì, rốt cuộc, chúng ta chỉ có năng lực thay đổi bản thân mình. Chắc chắn là, Timmy có thể có một công việc tốt và bớt chơi Playstation, nhưng cho đến khi sự tự nhận thức của anh thay đổi, cho đến khi cảm giác của anh về bản thân và cuộc đời anh thay đổi, thì anh ấy vẫn là thằng Timmy cũ. Ngoại trừ giờ đây có một người mẹ thất vọng hơn nhiều.

Tác giả: Mark Manson

Nguồn: No, You can’t make a person change

Dịch bởi: phandanganh.com

Hãy like và chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích
Twitter
Visit Us
Follow Me
LinkedIn
Share
INSTAGRAM

danganh

Xin chào ! Tôi là Phan Đặng Anh, và đây là nơi tôi chia sẻ những giá trị sống mà tôi cho là sẽ giúp bạn tự tin hơn, hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Hy vọng bạn sẽ thích những câu chuyện "zớ zẩn" của tôi ! Xem tất cả bài viết của danganh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *