Niềm cô đơn của những người trưởng thành, là khi muốn trốn những không ai tìm“. Đó là những gì mà Đen Vâu sáng tác trong MV “Trốn Tìm” gần đây. Và tôi thấy điều này thật đúng ! Có một sự thật không thể chối cãi rằng, khi mà con người ta càng trường thành, xã hội càng tiến bộ và hiện đại, thì chúng ta càng cảm thấy cô đơn nhiều hơn.

Quay trở về thời đại của ông bà cha mẹ chúng ta, cái thời mà đất nước vẫn còn quá nghèo khó, hầu hết hoàn cảnh của mọi người là giống nhau; người giàu có hơn một chút thì có lẽ là hơn được vài mét vải, vài lạng thịt được cấp phát 1 tháng, tất cả chỉ mong sao cho đủ ăn, thì gần như chẳng ai thèm đoái hoài đến việc cô đơn hay không cô đơn cả.

Nhưng điểm khác biệt quan trọng nhất mà tôi muốn đề cập đến chính là: sự phát triển của mạng xã hội. Cái thời “ông bà anh” thì chắc chắn là không có Facebook với Instagram, nên thế hệ trước của chúng ta cũng không có nhận thức quá nhiều về một thế giới với vô số các mối quan hệ rộng mở và chằng chịt như chúng ta ngày nay. Hay nói đơn giản, họ tiếp nhận ít thông tin hơn, nên họ cũng ít cảm thấy cô đơn hơn. Chính nhờ thế mà một số ít các mối quan hệ xung quanh họ lại luôn trở nên thân thiết và lâu bền hơn.

Còn giờ chúng ta thì sao ? Cơn lũ thông tin đang ngập ngụa và cuốn bay tâm trí của chúng ta, từng giờ từng phút. Chúng ta 2000 bạn bè trong friend list nhưng chẳng thực sự quen biết thân thuộc một người nào cả. Chỉ vài cái click chuột là ta có thể thấy rất nhiều những thằng khác, con khác đang đỉnh đếch đỡ được: họ xinh đẹp, nhiều mối quan hệ và cũng chẳng cô đơn như chúng ta. Như thế thì thật khó để không cảm thấy có lỗi và sự cô đơn lại được nhân đôi, nhân ba.

Các mối quan hệ cứ thế càng ngày càng trở nên hời hợt, bởi chúng ta thích núp sau chiếc smartphone để tương tác với thế giới này, nhằm đánh lừa mình rằng mình cũng có nhiều bạn bè và cũng được chú ý đấy chứ ! Các kỹ năng xã hội của chúng ta dần bị mai một. Và thế là lại cô đơn hơn nữa !

Tỷ lệ những người mắc các bệnh về tâm lý đang ngày càng gia tăng ở xã hội phương Tây phát triển như một xu thế tất yếu. Ta có thể hình dung đó sẽ là bức tranh của Việt Nam trong khoảng thời gian tới mà dấu hiệu của nó đã bắt đầu vài năm trở lại đây. Sẽ ngày càng có nhiều người trẻ phải tìm đến các phòng khám tâm lý vì stress, bất an và cả cô đơn nữa !

tỷ lệ cô đơn ở các nước phương tây

Contents

Chúng ta đều là những cá thể cô đơn !

Thôi nào, hãy thành thật nhé ! Tất cả chúng ta, ở một lúc nào đó, đều đã hoặc đang cảm thấy cô đơn. Bạn thấy cô đơn vì trong những lúc yếu lòng mà chẳng có ai ở bên chia sẻ và thấu hiểu với bạn. Bạn thấy cô đơn vì thiếu vắng vòng tay ấm áp của những người thân trong gia đình. Bạn thấy cô đơn vì messenger của bạn chẳng bao giờ có ai đó nhắn đến, trong khi bạn cho rằng những người khác thì luôn “nhắn tin đầy trong DM”. Bạn thấy cô đơn khi đang nhìn thấy một cặp đôi yêu đương thắm thiết đang hôn nhau dưới tán cây, còn bạn thì mãi lẻ bóng một mình, và bạn cũng muốn một ai đó bên cạnh.

Và tôi cũng thế ! Trong thời đại dịch, mọi thứ dường như đang chuyển động chậm lại, người ta ít ra ngoài hơn, ít gặp gỡ lẫn nhau hơn, tôi cũng thường hay ru rú ở nhà, ít tụ tập bạn bè hơn. Trong vài ngày đầu tiên khi nghỉ dịch ở nhà, tôi thậm chí đã cảm thấy phát ốm và bị sốt nhẹ do không ra ngoài. Nhưng rồi tôi nhận ra mọi chuyện cũng ổn cả thôi ! Bạn cũng thế, sẽ ổn thôi.

Có thể bạn cho rằng có mỗi bạn cô đơn, còn người khác thì thật tuyệt. Nhưng sự thật không phải vậy ! Thực tế là, những người ta nghĩ rằng họ xinh đẹp, giàu có và đủ đầy tình cảm nhất thì vẫn lại là những người cô đơn nhất.

Bạn nghĩ rằng một cô nàng xinh đẹp và sexy sẽ chẳng bao giờ cô đơn vì có háng tá những anh chàng ngoài kia đang săn đón cô ấy ? Không đâu, họ vẫn cô đơn, thậm chí là cô đơn hơn nhiều, bởi những anh chàng ấy chỉ muốn tán tỉnh cô nhằm đưa cô lên giường, hay chỉ là thỏa mãn cái tôi thích chinh phục gái xinh, chứ quan tâm đếch gì đến những cảm xúc, nhu cầu và giá trị thực sự bên trong con người cô !

Hoặc bạn cũng có thể nghĩ rằng một người giàu có thì sẽ chẳng cô đơn vì bữa tiệc của họ có biết bao người chầu chực, danh tiếng và các mối quan hệ công việc của họ ở khắp mọi nơi ? Không đâu, họ vẫn cô đơn, thậm chí là cô đơn hơn nhiều, bởi tất cả những người vây quanh họ chỉ vì danh tiếng, quyền lực và tiền bạc của họ, chẳng ai thực sự quan tâm đến việc ngày mai những con người giàu có này sẽ sống chết ra sao.

Tất nhiên, đó chỉ là những ví dụ, không có nghĩa là tất cả những người xinh đẹp và giàu có đều như vậy. Quan trọng là thái độ sống của chúng ta mới quyết định chất lượng cuộc sống của ta, chẳng quan trọng chúng ta là ai. Vậy bạn lựa chọn cách đánh giá nào cho cuộc sống của mình ?

Nói đi thì cũng phải nói lại, cô đơn là một loại cảm xúc rất bình thường của con người và nhu cầu xã hội là một phần không thể hiểu trong đời sống của chúng ta. Đó là quy luật tự nhiên. Một vài người trong số chúng ta luôn cho rằng mình chẳng bao giờ cô đơn, mình luôn vui vẻ và suy nghĩ tích cực, mình xinh đẹp, tự tin và độc lập đến nỗi chẳng bao giờ cần một ai bên cạnh cả.

Chúng ta đều là những người cô đơn

Nhưng về cơ bản, đó chỉ là một hình thức trốn tránh nỗi đau, trốn tránh những nhu cầu và khát khao thực sự bên trong chúng ta. Chẳng có gì sai trái hay đáng xấu hổ khi nói rằng mình cũng cô đơn và cần một ai đó bên cạnh. Cũng giống như mọi cảm xúc tiêu cực, bạn càng né tránh và không nhắc về nó, thì nó càng to lớn hơn bên trong bạn. Bạn càng cho rằng mình không cần ai cả thì xung quanh bạn cũng thực sự sẽ chẳng có ai hết.

Hãy luôn nhớ rằng: người mạnh mẽ nhất là người luôn đón nhận những sự thật không mấy hay ho về bản thân, chứ không phải phủ nhận nó ! Nỗi cô đơn là vấn đề của bạn, một vấn đề hết sức bình thường mà con người ta ai cũng có. Giờ thì điều quan trọng là một cách làm đúng đắn và lành mạnh nhất để bước qua nỗi cô đơn trong bạn.

Lấp đầy “khoang yêu thương”

Có một vị giáo sư tâm lý học nổi tiếng người Mỹ tên là Ross Campell. Ông phát hiện ra một điều đó là trong mỗi người chúng ta, đều có một thứ mà ông ví von nó là “khoang yêu thương”. Cứ tưởng tượng nó như là một cái bể, nhưng cái bể này không chứa nước mà nó chứa tình yêu thương. Và như tôi đã đề cập ở trên, mỗi người chúng ta đều có nhu cầu cần được lấp đầy cái “khoang yêu thương” này.

Trong mỗi đứa trẻ đều có một khoang tình yêu cần được đong đầy, và nhu cầu được yêu thương này không chỉ dừng lại lúc ta còn trẻ

– Ross Campell –

Ross campell
Giáo sư Ross Campell

Chúng ta luôn cố gắng làm sao để cái khoang này trở nên đầy nhất có thể. Nhưng nếu như chúng ta không làm gì hết, thì khoang yêu thương sẽ dần vơi đi và khiến ta cảm thấy khó chịu, bực bội và cô đơn.

Nhiều người tìm cách thoát khỏi trạng thái đó bằng cách tìm kiếm những thú vui tức thì, những mối quan hệ hời hợt để bù đặp và làm đầy khoang tình yêu. Những cách thức không lành mạnh ấy thường cảm giác ban đầu sẽ rất tốt, nhưng cũng giống như ma túy, bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả lâu dài nếu như lạm dụng chúng. Hơn cả, khi càng cố bấu víu vào những thứ hời hợt để làm thỏa mãn nhu cầu của bản thân, thì cuối cùng bạn sẽ càng cảm thấy cô đơn hơn.

Chẳng hạn như tôi có biết một anh bạn. Anh ta là một người rất giàu có và tài giỏi trong công việc kinh doanh của mình, giỏi đến mức không một ai có thể phủ nhận được điều đó khi nhìn vào thu nhập của anh ấy. Nhưng trong đời sống cảm xúc thì anh ta lại thất bại thảm hại. Anh ấy cố bấu víu vào một mối tình không lành mạnh với một cô nàng, dù cho cô ấy đến với anh có khi cũng chỉ vì tiền và chẳng bao giờ tôn trọng những nhu cầu và giá trị của anh. Bạn bè khuyên anh từ bỏ nhưng anh ấy không thể, vì anh ấy cần một người ở bên lúc cô đơn và áp lực, bất kể người đó có thực sự tốt với anh hay không.

Xây dựng mối quan hệ lành mạnh giúp bạn bởt cô đơn
Xây dựng mối quan hệ lành mạnh giúp bạn bởt cô đơn

Có thể bạn cũng đã nghe vô số những câu chuyện tương tự với một kịch bản giống hệt như vậy: một người vì quá cô đơn và thiếu thốn về mặt cảm xúc, có nhu cầu làm đầy khoang yêu thương nên đã quyết định dựa dẫm, phụ thuộc vào một vài mối quan hệ mà chẳng cần biết nó lành mạnh hay độc hại.

Do đó, quan trọng là chúng ta phải biết cách giao tiếp xã hội và vượt qua nỗi cô đơn một cách lành mạnh, có chiều sâu và hiệu quả. Ta cần xây dựng những mối quan hệ tốt mà trong đó, ta có thể tự do là chính mình, hạnh phúc với những người phù hợp với mình, chứ không phải đáp ứng nhu cầu xã hội của bản thân một cách thiếu lành mạnh, mang tình hình thức và hời hợt.

Nói văn hoa hơn thì, cái “khoang tình yêu” cần phải được lấp đầy bằng những giá trị thực sự tốt đẹp, những mối quan hệ thật sự chất lượng, chứ không phải bằng những “bọt bia” gây nghiện, chóng đầy nhưng cũng chóng tan.

XEM THÊM: Tại sao chúng ta luôn muốn trở nên đặc biệt ?

Làm thế nào để vượt qua sự cô đơn ?

Trước khi nói về cách bước qua nỗi cô đơn, tôi buộc phải cho bạn biết một sự thật khắc nghiệt rằng: càng cố để bớt cô đơn, càng cố lấp đầy “khoang yêu thương”, thì bạn lại càng cảm thấy cô đơn và trống rỗng hơn. Nghe thật xoắn quẩy phải không ? Nhưng tôi tin là một lúc nào đó, bạn đã trải qua cảm giác này rồi đấy ! Nó rất quen thuộc với tất cả chúng ta. 

Ngược lại, nếu bạn thoải mái chấp nhận sự cô đơn và những trải nghiệm một mình thì không những sức khỏe tâm lý của bạn được cải thiện mà nó còn giúp bạn tiếp cận một mối quan hệ bất kỳ theo hướng lành mạnh nhất, giúp bạn bớt cô đơn hơn trong thế giới lạnh lẽo này. Hay nói cách khác, càng thoải mái với cô đơn thì bạn càng giải quyết được sự cô đơn. 

Bởi khi ấy, bạn sẽ không phải ăn xin bất cứ một mối quan hệ nào cả. Không ai thao túng được bạn mà bạn cũng sẽ chẳng muốn thao túng ai cả. Bạn sẽ hoàn toàn nắm trong tay quyền kiểm soát và lựa chọn các mối quan hệ của mình, quyết định xem ai là người mà mình có thể gắn bó lâu bền và sâu sắc. Bạn sẽ không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai để cảm thấy an ổn hơn cả. 

Bạn sẽ đi ra ngoài và kết thêm bạn mới nhưng cũng đồng thời duy trì được sự độc lập về tư tưởng và giá trị cá nhân. Bạn sẽ ít bị chi phối về mặt cảm xúc, ít bị tác động bởi người khác và có nhận thức bản thân cao. Chính những điều ấy mới giải quyết triệt để sự cô đơn của bạn, bằng cách ý thức đúng đắn về nó, chứ không phải việc ta cứ mãi cố gắng loại bỏ nó. 

Sự khác nhau giữa cô đơn và cô độc
Sự khác nhau giữa cô đơn và cô độc

Cô đơn và cô độc đôi khi không giống nhau. Bạn hoàn toàn có thể cảm thấy cô đơn cùng cực dù xung quanh bạn có rất nhiều người dành cả ngày bên bạn. Nhưng bạn cũng có thể cảm thấy hài lòng khi ở một mình. Vấn đề là bạn lựa chọn thái độ nào để nhìn nhận về việc ở một mình mà thôi ! Hầu hết cảm giác cô đơn đều bắt nguồn từ thái độ hoặc cách nghĩ không đúng của bạn về việc ở một mình. 

Ở một mình đôi khi rất tốt cho sự suy ngẫm và trấn tĩnh, tốt cho sự phát triển cá nhân khi bạn có thể làm những điều bạn muốn mà chăng có ai soi mói hay càm ràm. Cũng chẳng có ai để gây ấn tượng cả, bạn có thể là chính mình. Thật tuyệt, phải không ?

Cuối cùng thì, trước khi kết nối được với những người khác, thì bạn cần phải kết nối được với chính bản thân mình đã. Hãy học cách tự khiến bản thân mình vui vẻ và hạnh phúc ! 

Được rồi, sau khi bạn đã thấm nhuần “phương châm” rồi thì chúng ta có thể điểm qua một số mẹo giúp bạn vượt qua sự cô đơn nhé ! 

1. Tham gia một đội nhóm nào đó có cùng sở thích với bạn 

Điều này rất đơn giản đúng không ? Nếu bạn thích đá bóng, hay tìm một câu lạc bộ hay đội bóng nào đó. Nếu bạn thích âm nhạc, hãy tìm đến một ban nhạc. Nếu bạn thích nhảy nhót, hãu tham gia vào một nhóm nhảy nào đó gần nhà bạn. Nếu bạn thích giúp đỡ người khác, hãy thực hiện một công việc thiện nguyện và kêu gọi bạn bè tham gia Nếu bạn thích nhiếp ảnh, đừng ngại ngần ứng tuyển vào một câu lạc bộ chụp ảnh. 

Bạn cũng có thể tham gia vào một số các lớp học mà bạn yêu thích như: nấu ăn, khiêu vũ, yoga, võ thuật, tiếng anh, các khóa học phát triển bản thân,… 

Với tôi thì, người yêu có thể không có cũng không sao, nhưng bạn bè thì chắc chắn phải có. Quan trọng là hãy biết “chọn bạn mà chơi” 

2. Nâng cao năng lực xã hội của bạn 

Rất nhiều người vấp phải khó khăn đáng kể trong việc giao tiếp và bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân với người khác. Cách duy nhất để bạn có thể trở nên cởi mở hơn đó chính là rèn luyện tính dễ bị tổn thương (chủ đề này hay lắm, tôi hứa là sẽ viết về nó). Điều đó có nghĩa là bạn hãy chấp nhận bước ra ngoài và thử thách bản thân với những mối quan hệ mới, học cách bày tỏ những ý nghĩ chân thật của bạn cho họ để kết nối với mọi người. 

Cùng với đó, hãy đọc thêm những cuốn sách liên quan đến phát triển bản thân, tham khảo những khóa học giao tiếp online và nhất là mấy bài viết về kỹ năng sống trên phandanganh.com chẳng hạn ! 

3. Học cách quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh 

Nhiều người khi tiếp cận một mối quan hệ, họ đều có tư tưởng rằng: “mình sẽ được gì từ người kia ?” hay “liệu họ có giúp mình thấy khá hơn không ?”. Nhưng những người xung quanh bạn đâu có ngu ngốc. Họ đọc được những ý định ích kỷ đó của bạn và thấy rõ sự tự phụ trong những suy nghĩ như vậy, rằng bạn chơi với họ chẳng qua chỉ để khuây khỏa cô đơn chứ đâu phải vì sự chân thành vô điều kiện. 

Thay vì thế, hãy học cách quan tâm chân thành đến những người xung quanh. Hãy thực sự trân trọng và cố gắng thấu hiểu những giá trị, nhu cầu của họ, giúp đỡ họ trong cuộc sống mà không cần báo đáp gì cả. Bạn càng cho đi nhiều mà không mong nhận lại, bạn sẽ càng bớt cô đơn hơn ! 

Trên đây là tất cả những thứ mà tôi nghĩ là vô cùng hữu ích cho bạn trong việc giảm thiểu nỗi cô đơn trong lòng bạn. Nếu bạn thấy những bài viết của tôi thú vị, hãy subcribe web và follow fanpage facebook của tôi để nhận ngay những bài viết mới nhất nhé ! 

Hãy like và chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích

danganh

Xin chào ! Tôi là Phan Đặng Anh, và đây là nơi tôi chia sẻ những giá trị sống mà tôi cho là sẽ giúp bạn tự tin hơn, hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Hy vọng bạn sẽ thích những câu chuyện "zớ zẩn" của tôi ! Xem tất cả bài viết của danganh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *