Thú thực thì tôi không phải là một đứa quá chăm chỉ hay làm việc “năng suất”, như hầu hết chúng ta vậy. Đúng, điều này nghe thật tệ ! Và cái thứ gọi là “kỷ luật bản thân” đã thực sự làm tôi ám ảnh trong nhiều năm trời, từ những năm tháng học cấp 2. Tôi luôn ao ước muốn thấy cái hình ảnh bản thân mình làm việc thật chăm chỉ, hiệu quả, tràn đầy động lực và sức sống trong suốt cả một ngày hay một tuần. Mấy câu nói như kiểu: “Nếu một ngày chưa học được gì thì đừng đi ngủ” hay “Hãy tiến bộ thêm 1% mỗi ngày” thường được reo rắc vào đầu tôi suốt thông qua mấy quyển sách, mấy kênh youtube phát triển bản thân hay vài vị diễn giả nổi tiếng nào đó. Tôi cũng hay xem hết thảy tất cả những video nói về chủ đề truyền động lực nữa cơ. 

Nhưng dù có cố gắng ra sao thì cuối cùng tôi vẫn là một thằng lười biếng trong phần lớn thời gian. Tôi thích làm mấy thứ linh tinh vô nghĩa như chúng ta thường làm: lướt facebook, xem youtube, ngủ nướng cả buổi chiều hay kể cả là nghiên cứu về cách tạo động lực cho bản thân mà chẳng thực sự đứng dậy và làm gì cả. Và dù cho đôi lúc tôi có thực sự hành động quả quyết, như là ngủ sớm – dậy sớm, tập gym 4 buổi một tuần và viết cái blog này vào mỗi buổi chiều rảnh rỗi, thì rốt cuộc, nó cũng chỉ kéo dài được vài ba ngày, đâu lại vào đấy. Ôi trời !

Tôi vẫn thích làm những thứ ngớ ngẩn để trì hoãn làm một điều gì đó đúng đắn. Tôi thấy bản thân thật tồi tệ ! Và các bạn cũng vậy, phải không ? Nhưng rồi sau đây ta sẽ thấy, đó chính là vấn đề của chúng ta đấy ! Không, tôi không nói về việc ta đã trì hoãn, đã không chăm chỉ đâu, mà là việc ta cứ trách móc bản thân mình cơ ấy ! Cho phép tôi giải thích.

Contents

CON NGƯỜI SINH RA VỐN DĨ ĐÃ LƯỜI BIẾNG

Đó có lẽ là một sự thật mà bạn nên chấp nhận sớm, và điều này sẽ thực sự có ích cho việc ta có thể hành động quả quyết và chăm chỉ hay không. Con người ta tệ lắm. Chúng ta thích nằm ngáy phì phò hơn là tập thể dục lúc 5 giờ sáng, thích xem mấy video review phim cả buổi chiều hơn là làm bài tập về nhà hay hoàn thành deadline, thích “để mai tính”, “để mai làm vẫn kịp” hơn là đối diện với sự lười biếng ngay lập tức. Điều này rất khó để chối cãi.

Con người vốn dĩ là lười biếng

Có thể ở một lúc nào đó trong cuộc đời bạn, bạn đã cố gắng thay đổi hành động của mình thông qua “ý chí”. Và khả năng cao là bạn cũng vấp phải rất nhiều những thất bại thảm hại giống như tôi vậy. Nhưng đừng nản vội, bởi chúng ta vẫn làm thế suốt ấy mà !

Việc coi rằng kỷ luật bản thân đồng nghĩa với ý chí kiên cường thực sự không khả thi bởi việc dằn vặt bản thân vì đã không làm việc chăm chỉ đơn giản là không hiệu quả mà ngược lại, nó thường phản tác dụng. Nếu có ai đó cố đưa bạn vào một khuôn khổ lề thói nào đó, dù cho nó tốt đẹp thực sự, tôi cam đoan là bạn cũng vẫn chẳng muốn làm đâu.

Vậy thì không có cách nào để cải thiện “kỷ luật bản thân” hay sao ? Thực ra thì có đấy, nhưng không phải là thông qua ý chí hay động lực gì cả. Như ta sẽ thấy, vấn đề nằm ở chỗ khác cơ. (cái kiểu tự hỏi tự trả lời này kỳ vãi)

TẠI SAO KHÔNG THỂ XÂY DỰNG KỶ LUẬT BẢN THÂN BẰNG Ý CHÍ ĐƠN THUẦN ?

Hành vi của chúng ta thường không dựa trên lý trí. Lý trí có thể ảnh hướng tới quyết định của chúng ta, nhưng cuối cùng thì, cảm giác mới là thứ quyết định xem ta sẽ làm gì. Đó chính là lý do tại sao có nhiều chuyện bạn biết thừa rằng làm vậy là tuyệt đối đúng đắn nhưng bạn vẫn chẳng chịu làm chỉ vì nó gây cho bạn sự khó chịu.

Con người ta được lập trình để làm những điều mà ta thấy dễ chịu và tránh những điều khó chịu. Và cách duy nhất để ta có thể thực hiện những gì mang lại cảm giác khó chịu và không làm điều dễ chịu đó chính là thông qua một loại “ý chí tạm thời” nhằm gạt bỏ cảm xúc của mình và làm điều đúng đắn.

Tại sao không thể xây dựng kỷ luật bản thân bằng ý chí

Cha mẹ, thầy cô chúng ta ra rả như vậy: “đừng xem điện thoại nữa, đi học đi !”, những người thành công cũng nói vậy: “muốn giàu phải có ý chí”,… Điều đó, dù không sai, nhưng đã vô tình hình thành nên một cái khái niệm vẫn luẩn quẩn trong đầu chúng ta: nếu muốn có kỷ luật bản thân tốt thì phải gạt bỏ cảm xúc tiêu cực, gạt bỏ cảm giác lười biếng nhàn rỗi ấy.

Hơn thế nữa, ta đang đánh giá bản thân mình là tốt hay tệ thông qua việc ta có gạt bỏ và kìm nén được cảm xúc bên trong hay không. Kiểu như: “Hôm nay tôi chẳng làm được gì đáng kể cả, tôi chỉ nằm ườn ra và nghịch điện thoại, tôi đúng là một thằng thiếu ý chí, buồn quá !”.

Cách tiếp cận này, về cơ bản, là bạn đang tự chán ghét bản thân mình vì những điều bạn vốn dĩ là. Như tôi đã nói, con người vốn dĩ có những ham muốn tự nhiên, thích làm điều dễ chịu và tránh thứ khó chịu. Việc tự chán ghét bản thân vì sự lười biếng vào một lúc nào đó có thể tạo động lực ngày một ngày hai cho bạn, nhưng về lâu dài thì đâu sẽ lại vào đấy. Và nó cũng khiến bạn rất chán nản và căng thẳng với điều bạn muốn thực hiện.

XEM THÊM: Câu chuyện của người ở lại

Việc kỷ luật bản thân thực chất không phải là một câu hỏi về ý chí, mà nó thiên về khả năng quản lí cảm xúc cá nhân của chúng ta. Bạn có thể ép bản thân đi tới phòng gym trong một vài ngày đầu kể cả khi bạn không thích điều đó cho lắm. Nhưng trừ khi việc tập gym khiến bạn cảm thấy phấn chấn theo cách nào đó, thì bạn sẽ luôn mất đi động lực ban đầu, mất ý chí và ngừng làm điều đúng đắn. Bạn có thể bỏ nhậu trong vài ngày đầu, nhưng trừ khi bạn cảm nhận được lợi ích thực sự của việc bỏ nhậu thì bằng không bạn vẫn sẽ tiếp tục uống như thuồng luồng.

Vì vậy, điều bạn thực sự nên làm đó là học cách chung sống và làm việc với những cảm xúc bên trong bạn, thay vì cố chống lại nó. Cuối cùng thì, tự kỷ luật bản thân không phải là thứ dựa trên ý chí hay sự từ chối kiên cường mà nó dựa trên “sự chấp nhận bản thân”.

CÁCH XÂY DỰNG “KỶ  LUẬT BẢN THÂN” BỀN VỮNG

Điều đầu tiên bạn cần làm để trở nên kỷ luật hơn đó là hãy ngừng việc trách móc và phán xét bản thân. Đôi lúc bạn thiếu nghị lực và lười biếng không có nghĩa rằng bạn là một người tồi tệ, không có tương lai. Tôi cũng có những cám dỗ, và bạn cũng vậy. Chúng ta đều không kiềm chế được sự bốc đồng của mình. Chuyện thường ấy mà !

Kỷ luật bản thân: Ngừng phán xét bản thân

Hãy tìm ra cảm xúc tiêu cực của bạn, tìm ra con quỷ cám dỗ quái ác đang dày vò bạn, và rồi hãy chấp nhận nó. Chấp nhận đó là một phần con người của bạn và sẽ chằng bao giờ biến mất, dù nó không hay ho gì. Đối mặt với nó, và cho phép bản thân cảm nhận tất cả những cảm xúc khủng khiếp, khó chịu đi kèm với nó thay vì cứ cố gắng trốn tránh, chống đối hay loại bỏ nó.

Hệ quả là, bạn sẽ thấy không còn lý do gì để trách móc bản thân nữa. Ngược lại, bạn sẽ cảm thấy yêu thương bản thân mình hơn và muốn quan tâm, chăm sóc bản thân đầy đủ hơn. Quan trọng là, bạn sẽ thấy thích việc tự quan tâm và chăm sóc bản thân. Còn những cảm xúc tiêu cực, giờ đây, chúng lại trở thành một sự nhắc nhở hay nguồn động lực hữu ích đối với bạn, rằng bạn sẽ thay đổi và cải thiện hành động của mình trong tương lai.

Những cám dỗ sẽ không còn khiến bạn thấy hứng thú nữa. Hay nói đúng hơn là, nó sẽ không làm bạn hứng khởi bằng việc tự quan tâm bản thân, hướng bản thân đến những điều tốt đẹp, lành mạnh và đúng đắn nhất. Thậm chí, ngược lại, những cám dỗ còn khiến bạn thấy tẻ nhạt đến “buồn nôn”.

Việc tập Gym 5 buổi một tuần sẽ không còn là một nhiệm vụ bất khả thi, một thử thách gay go mà bạn phải thực hiện. Ngược lại, bạn cảm thấy khỏe mạnh và có giá trị khi đến phòng tập hơn là nằm ườn cả buổi chiều. Bạn sẽ đến phòng gym với nhiều điều thú vị: cải thiện ngoại hình để trở nên ấn tượng hơn với những người xung quanh, ngắm nghía mấy em gái nóng bỏng cả tay và mấy anh chàng sáu múi,…

cách cải thiện kỷ luật bản thân

Điều tiếp theo mà bạn có thể làm đó là hãy tự tạo ra những tình huống mà ở đó việc thực hiện hành động mong muốn sẽ dễ chịu hơn là không làm. Chúng ta đã nói về việc con người thích làm điều mà họ cảm thấy dễ chịu và né tránh thực hiện điều mang lại cảm giác khó chịu, bạn còn nhớ chứ ? Đây là lúc ứng dụng điều này. Dưới đây là một vài gợi ý cho bạn:

1, Đưa 500k cho một đứa bạn rồi bảo nó: “Nếu tao không làm được X trong vòng một tuần, 500k sẽ thuộc về mày”. Cách này khá là hữu ích trong khoảng 1-2 tuần với tôi. Tôi từng thực hiện điều tương tự. Ban đầu mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ, nhưng càng về sau, tôi lại rất hay kỳ kèo với anh bạn mình và xin hoàn lại một vài khoản tiền sau khi đã mất kha khá. Chán thật !

Tương tự, nếu bạn muốn hạn chế sử dụng mạng xã hội, hãy xóa luôn các app đó đi. Việc tải và đăng nhập lại sẽ khiến bạn thấy mất thời gian và không muốn sử dụng nữa. Nếu bạn muốn đọc sách, hãy ra thư viện và tắt nguồn các thiết bị điện tử.

2, Hãy thực hiện việc đơn giản trước tiên. Tôi vẫn đang tự nhủ với bản thân rằng: “Mình chỉ cần ngồi vào bàn và bật máy tính lên thôi là được rồi, không cần làm gì nữa”. Sau đó, chỉ cần mở file word lên là được rồi, và chỉ cần viết một hai câu thôi rồi nghỉ cũng được. Nhưng trước cả khi tôi kịp nhận ra, tôi đã viết cả một đoạn dài như thế này rồi đấy !

3, Hãy chơi với những người bạn có những thói quen hay hành vi tốt mà bạn đang muốn rèn luyện. Sẽ dễ dàng hơn nhiều để bạn chí ít là mở quyển sách giáo khoa ra và đọc vài chữ khi bạn đang ngồi cùng với những người bạn đang cặm cụi giải bài tập và chắc chắn không hề hứng thú với mấy trò đùa dai của bạn.

4, Hãy tự thưởng cho bạn thân sau khi hành động đúng đắn. Các thói quen tốt thường được hình thành khi bạn thực hiện điều bạn thích làm và nhận được phần thưởng từ hành động ấy.

5, Hãy dành ra 5 phút mỗi tối để nghĩ xem sẽ làm gì vào ngày mai. Nhưng đừng quá tham vọng và nghĩ ra một lịch trình chằng chịt. Bạn chỉ cần nghĩ tới khoảng 3 việc mà bạn cho là quan trọng nhất trong ngày rồi thực hiện nó trong buổi sáng, chiều và tối. Điều này sẽ nhắc nhở bạn tập trung vào những việc quan trọng trong ngày, tạo cảm hứng cho bạn hoàn thành nó. Và khi hoàn thành 2-3 việc quan trọng nhất, bạn sẽ có động lực giải quyết tất cả các công việc còn lại.

KẾT LẠI: KỶ LUẬT BẢN THÂN MÀ KHÔNG CẦN Ý CHÍ

Một khi bạn ngừng việc quá quan trọng hóa vấn đề tự kỷ luật, một khi bạn tạo ra những tình huống mà ở đó bạn thấy dễ chịu khi thực hiện công việc cần làm hơn là không làm gì cả, thì tự nhiên sự tự kỷ luật sẽ xuất hiện mà ít cần đến sự nỗ lực cao độ.

Kết quả là, bạn sẽ dậy sớm bởi bạn thích việc dậy sớm. Bạn đi tập gym vì muốn có một cơ thể săn chắc và khỏe mạnh, bạn thấy hưng phấn khi được tập luyện hơn là chỉ ngồi ở nhà. Bạn ngừng nói dối bởi bạn cảm thấy khó chịu vì phải nói dối thay vì nói ra một sự thật quan trọng.

Điều đó không có nghĩa là những lực cản đã biến mất hoàn toàn. Chúng không hề biến mất. Nhưng giờ đây, những nỗi đau khi mà ta phải làm một điều gì đó đúng đắn đã trở nên có ý nghĩa. Và nếu nhìn từ bên ngoài thì, có vẻ như bạn phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực và ý chí để thực hiện công việc bạn đang làm, nhưng thật ra đối với bạn, bạn hầu hết chẳng cảm thấy khó khăn gì cả.

 

Hãy like và chia sẻ nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích

danganh

Xin chào ! Tôi là Phan Đặng Anh, và đây là nơi tôi chia sẻ những giá trị sống mà tôi cho là sẽ giúp bạn tự tin hơn, hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Hy vọng bạn sẽ thích những câu chuyện "zớ zẩn" của tôi ! Xem tất cả bài viết của danganh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *